Giá dầu, khí đốt hạ nhiệt sau động thái của Nga

(VNF) – Giá dầu và khí đốt đều giảm trong phiên giao dịch ngày 15/2 sau loạt động thái được cho là tín hiệu xuống thang căng thẳng từ phía Nga.

Giá dầu, khí đốt hạ nhiệt sau động thái của Nga

Cụ thể, vừa tăng vọt lên mức 96,78 USD/thùng với dầu Brent và 95,82 USD/thùng với dầu thô ngọt nhẹ (WTI) trong ngày 14/2, giá dầu thế giới đã giảm hơn 3% trong phiên 15/2.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 3,3% xuống 93,28 USD/thùng. Trong khi đó, giá WTI giảm 3,6% xuống 92,07 USD/thùng.

Ở diễn biến tương tự, theo sàn giao dịch ICE London, giá khí đốt kỳ hạn tháng 3 tại Trung tâm TTF Hà Lan đã giảm xuống còn 809 USD/1.000m3, tương đương 69 euro/MWh. Mức giảm tổng thể của giá khí đốt từ đầu ngày 15/2 là khoảng 14,5%.

Thị trường dầu và khí đốt hạ nhiệt trong bối cảnh quân đội Nga ngày 15/2 phát ra thông báo rằng một số đơn vị của Quân khu miền Tây và Quân khu miền Nam đang chất thiết bị lên tàu hỏa để trở về căn cứ sau khi hoàn thành các cuộc tập trận.

Điều này phù hợp với thông báo của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rằng một số cuộc tập đã kết thúc và một số cuộc tập trận khác cũng sẽ sớm kết thúc. Đây có thể là tín hiệu xuống thang căng thẳng từ phía Nga.

Cũng trong ngày 15/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc hội đàm kéo dài hơn 3 tiếng để thảo luận về vấn đề an ninh năng lượng và khả năng giảm leo thang căng thẳng đang diễn ra ở Ukraine.

Tại cuộc hội đàm, ông Putin nhấn mạnh rằng ngay cả trong giai đoạn giá khí đốt cao và nguồn cung thiếu hụt ở châu Âu, Nga cam kết sẽ tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho người tiêu dùng Đức trên cơ sở mức giá theo hợp đồng dài hạn.

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định sẵn sàng đàm phán với các đối tác phương Tây về đảm bảo an ninh thông qua các kênh ngoại giao, và Nga cũng sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine sau năm 2024, nếu có nhu cầu.

Nếu căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp lục leo thang sẽ đẩy giá dầu và khí đốt tăng cao, đe dọa triển vọng tăng trưởng và thúc đẩy lạm phát toàn cầu.

Theo nghiên cứu của Bloomberg Economics, nếu giá dầu tăng lên 100 USD cuối tháng này sẽ kéo lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên 0,5% nửa cuối năm nay. Còn nếu tăng lên 150 USD, JPMorgan Chase cảnh báo đà tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu sẽ bị chặn đứng, lạm phát tăng vọt lên hơn 7%, gấp 3 lần so với mục tiêu của các nhà chức trách.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh căng thẳng leo thang xung quanh vấn đề Ukraine, phương Tây cho tới nay vẫn luôn quan ngại về nguy cơ gián đoạn dòng chảy khí đốt từ Nga đến lục địa này.

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Comments are closed.

BÀI VIẾT KHÁC