Thay đổi tư duy, tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển

Làm thế nào để quản lý nhà nước không nặng nề, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, để họ yên tâm đầu tư lâu dài thay vì đầu cơ vào đất, vào vàng…

Kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế.

Được giao nhiệm vụ soạn thảo Đề án “Đổi mới toàn diện quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết ông “rất sốt ruột” khi nhìn vào thực trạng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay.

“Làm thế nào để quản lý nhà nước không nặng nề, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Làm sao để giải phóng điểm nghẽn nhanh chóng nhất, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, để họ yên tâm đầu tư lâu dài thay vì đầu cơ vào đất, vào vàng…”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

 CHƯA THỰC SỰ LÀ ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA NỀN KINH TẾ 

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, qua gần 35 năm đổi mới, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết thừa nhận và khẳng định vai trò và vị thế của kinh tế tư nhân. Từ “Có vị trí quan trọng lâu dài” (Đại hội IX) đến “Có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế” (Đại hội X và XI) và “Là một động lực quan trọng của nền kinh tế” (Đại hội XII và Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương năm khóa XII). Theo đó, hàng loạt những quyết sách lớn của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân đã được ban hành và triển khai thực hiện.

Cho đến thời điểm này, kinh tế tư nhân liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 42-43% GDP. Kinh tế tư nhân thu hút khoảng 85% lực lượng lao động của nền kinh tế. Kinh tế tư nhân cũng góp phần quan trọng trong huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển sản xuất – kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu ngân sách, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội… Dẫn ra số liệu này, ông Hiếu cho rằng, vai trò, vị thế của kinh tế tư nhân ngày càng được khẳng định và thể hiện rõ nét thông qua những đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội.

Đặc biệt, lực lượng doanh nghiệp tư nhân đã góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi “diện mạo” đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. hiều thương hiệu của các tập đoàn tư nhân được hình thành và có tính cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn hạn chế ở nhiều mặt. Khu vực kinh tế tư nhân chưa thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch. Tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng con số đóng góp 42-43% GDP được đề án nêu ra là bao gồm cả phần của doanh nghiệp cũng như hộ kinh doanh cá thể. “Nếu loại trừ hàng triệu hộ kinh doanh, tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ khoảng 9-10%”, bà Lan nói.

Ngoài ra, theo ông Hiếu, năng suất và tốc độ tăng năng suất của khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế. Cụ thể, năng suất lao động bình quân của khu vực doanh nghiệp tư nhân chỉ bằng khoảng 34% năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước  và khoảng 69% năng suất lao động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, năng lực khoa học – công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. Doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, nhất là công nghệ lõi, công nghệ tiên phong.

“Hiện tại, chỉ có 10% số doanh nghiệp đã từng đăng ký, hoặc đăng ký thành công một bằng sáng chế trong vòng ba năm liên tiếp; đầu tư của doanh nghiệp cho đổi mới công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,3% doanh thu, thấp hơn nhiều so với các nước như Ấn Độ (5%), Hàn Quốc (10%). Chỉ có khoảng 10,2% doanh nghiệp có đầu tư vào một số hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D)”, ông Hiếu dẫn chứng.

Đặc biệt, tính liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Hiện chỉ có khoảng 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài. Trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều.

GIẢI PHÓNG ĐIỂM NGHẼN PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN 

Nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế của khu vực kinh tế tư nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, một phần nguyên nhân xuất phát từ hạn chế, yếu kém của cơ chế, phương thức quản lý nhà nước về kinh tế, đặc biệt quản lý nhà nước trong phát triển kinh tế tư nhân.

“Hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tế. Môi trường đầu tư, kinh doanh còn nhiều hạn chế, tiềm ẩn rủi ro, thiếu minh bạch. Tiếp cận cơ hội kinh doanh, nguồn lực phát triển chưa thực sự bình đẳng, phát sinh nhiều chi phí trung gian, chi phí không chính thức. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong nhiều trường hợp còn thiếu chặt chẽ, hiệu quả chưa cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Vì vậy, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phải bắt đầu từ sự thay đổi tư duy trong quản lý, tạo sự thân thiện, đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư. “Làm thế nào để quản lý nhà nước không nặng nề, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp. Làm sao để giải phóng điểm nghẽn nhanh chóng nhất, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, để họ yên tâm đầu tư lâu dài thay vì đầu cơ vào đất, vào vàng…”, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đặt câu hỏi và nhấn mạnh “Tôi rất sốt ruột”. “Chúng ta có thể không vượt qua bẫy trung bình nếu không thay đổi nhanh. Theo đánh giá của World Bank, cơ hội chỉ còn 10 năm nữa thôi vì đây là giai đoạn dân số vàng, đến năm 2030 bắt đầu chuyển sang già hóa dân số”.

Cùng quan điểm, bà Phạm Chi Lan kiến nghị, “Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh. Phải tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Không nên hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu rõ ràng. Nhà nước cần tin tưởng, dựa vào doanh nghiệp để thực hiện, tạo lập môi trường cạnh tranh. Nếu cơ quan nhà nước chỉ thiết kế chính sách với nhau, không đặt lòng tin vào doanh nghiệp thì sẽ khó phát triển”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, con số 42-43% hay 9-10% đóng góp vào GDP có hàm ý rất lớn trong việc thiết kế chính sách để tạo không gian phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. “Doanh nghiệp lớn cần chính sách phát triển hướng mạnh tới công nghệ cho giai đoạn mới, trong khi doanh nghiệp nhỏ thậm chí là “li ti” lại chỉ chú trọng tới lợi nhuận, mưu sinh. Vì vậy, không thể đánh đồng không gian phát triển cho tất cả doanh nghiệp”, bà Lan nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, để khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân, cơ quan quản lý nhà nước cần giảm can thiệp hành chính sâu vào quản trị nội bộ doanh nghiệp. Trong phân bổ nguồn lực, Nhà nước cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi của chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh, bình đẳng, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị, liên kết.

“Cần áp dụng nguyên tắc có lợi nhất cho doanh nghiệp trong trường hợp các quy định của pháp luật chưa rõ ràng, có nhiều cách hiểu khác nhau”, ông Phan Đức Hiếu kiến nghị.

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

guest

0 Bình luận
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT KHÁC